Ở nhà mùa COVID-19, cảnh giác trẻ thừa cân, béo phì!

1 Th7 2021 by Trân Trương

Mùa hè năm nay có lẽ là ký ức khó quên đối với người lớn chúng ta – khi phải đối mặt với nhiều vấn đề cơm áo gạo tiền do tình hình dịch bệnh, quy định giãn cách xã hội của Nhà nước – và cả đối với trẻ em khi các bé không được đi chơi, không được đến các khu vui chơi giải trí và phải ở nhà.

Điều lo ngại của các mẹ không phải hoàn toàn ở việc phải làm cách nào cho các con vui, không có cảm giác buồn chán, mà là làm thế nào để chu toàn mọi bữa ăn cho các con một cách hợp lý, tránh để các con thừa cân, béo phì nhưng luôn đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, để duy trì và cải thiện tốt hơn sức đề kháng, hệ miễn dịch.

Nguyên nhân chính khiến bé dễ tăng cân xuất phát từ việc lười vận động do ở nhà thường xuyên, ăn, ngủ nhiều, và suốt ngày một chỗ với các thiết bị công nghệ. Lý do khác, cũng phổ biến không kém, là các mẹ vì muốn con khỏe mạnh hơn trong mùa dịch mà liên tục tập trung bồi bổ cho con quá nhiều bữa ăn giàu năng lượng dẫn đến năng lượng nạp vào thì dư thừa trong khi năng lượng tiêu hao còn quá ít. Sự mất cân bằng này là một trong các yếu tố cốt lõi gây nên tình trạng thừa cân, béo phì.

Đáng báo động khi tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhanh ở nước ta, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 – 2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.

Đặc biệt có đến 53% các bậc phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, béo phì, và chỉ phát hiện khi đưa con đến thăm khám tại các bệnh viện.

Tác hại nghiêm trọng thì không phải ai cũng biết. Thừa cân, béo phì lúc nhỏ là tiền đề của thừa cân, béo phì khi trưởng thành, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa, xương,…

Thừa cân, béo phì còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển chiều cao của trẻ, quá trình dậy thì của trẻ như dậy thì sớm. Hơn nữa khi trẻ nhận thức được về hình thể của mình, sẽ dễ tự ti, thiếu tự tin trước bạn bè, ngại giao tiếp. Theo nhiều chuyên gia cảnh báo, trẻ béo phì tiềm ẩn nguy cơ trầm cảm cao.

Các bậc phụ huynh như chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các con đẩy lùi thừa cân, béo phì:

  • Trang bị các kiến thức cần thiết như tháp dinh dưỡng cho trẻ theo độ tuổi để lên thực đơn các bữa ăn hợp lý với “đủ” chất dinh dưỡng, đồng thời biết cách dùng chuẩn tăng trưởng, biểu đồ tăng trưởng để theo dõi sự tăng trưởng và tình trạng dinh dưỡng của trẻ
  • Hạn chế không cho trẻ ăn nhiều đồ chiên, rán, xào nhiều dầu mỡ, các thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn ví dụ như xúc xích, hamberger, gà tẩm bột chiên, mì tôm, kem, bánh kem, sôcôla và bánh ngọt, và hạn chế không cho trẻ uống các loại nước ngọt có ga và các loại nước có nhiều đường, đối với sữa thì nên cho trẻ uống sữa tươi không đường hoặc sữa tươi không đường tách béo và giàu canxi.
  • Hạn chế tất cả các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, pho mát, não, tim, gan, lòng lợn,…
  • Khuyến khích, và tập cho trẻ ăn các loại rau, củ quả cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp cơ thể trẻ phát triển, giúp nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật, hạn chế các loại quả ngọt và nhiều năng lượng như chuối, xoài, mít, vải, cho trẻ ăn đa dạng các loại rau quả, đa màu sắc.
  • Cho trẻ ăn các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít chất béo, ít đường và muối.
  • Khuyến khích trẻ vận động tại nhà trong thời gian giãn cách, cùng trẻ tập các bài tập thể dục cơ bản, cùng trẻ chơi các trò chơi vận động phù hợp với độ tuổi và thể trạng của trẻ, đồng thời hạn chế thời gian ngồi xem tivi, video và trò chơi điện tử.
  • Đối với các trẻ đã bị thừa cân, béo phì, các mẹ không nên vì thế mà bắt trẻ nhịn ăn, hay cố gắng giảm khẩu phần ăn của trẻ, cho trẻ ăn ít bữa, thay vào đó bên cạnh các biện pháp kể trên phải tìm cách cân bằng, và cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, các dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất, nước cho trẻ.
  • Đồng thời thay đổi thói quen ăn uống của trẻ như khuyến khích con chỉ ăn khi cảm thấy thực sự đói và dừng lại khi đã cảm thấy no chứ không ăn như một thói quen, ăn cho vui miệng, ăn thêm vì thức ăn ngon, ăn vì buồn chán, giải tỏa căng thẳng,…
  • Nếu các con buồn, tự ti vì thân hình quá bụ bẫm của mình thì các mẹ thay vì rầy la các con, nên động viên, trò chuyện với các con về giải pháp mà điển hình là tăng cường vận động hợp lý, chơi các trò chơi thể thao nhưng không quá gắng sức, và đi cùng con trên hành trình đẩy lùi thừa cân, béo phì như đặt ra các mục tiêu cụ thể, khen thưởng con khi con đã thay đổi được cách ăn uống của mình.

Cùng note lại những thông tin hữu ích để bảo vệ trẻ trước thừa cân, béo phì, và tăng cường sức khỏe tốt hơn cho trẻ.

Nguồn thông tin: Bộ Y tế, Báo điện tử Sức khỏe đời sống (cơ quan ngôn luận của bộ Y tế), trang thông tin y khoa của Vinmec, và Hello Bác Sĩ

Không có bình luận

Sắp xếp theo:

Để lại một bình luận

Trả lời

Liên hệ

Nếu bạn có thắc mắc, hay có nhu cầu mua sản phẩm, hoặc cần tư vấn về sản phẩm, dịch vụ, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi.

Gọi ngay