Nỗi lo lắng trẻ bị viêm họng khi thời tiết thất thường
30 Th9 2021 by Trân Trương
Trẻ bị viêm họng là tình trạng phổ biến nên nhiều cha mẹ thường rất chủ quan, lơ là khi con bị bệnh. Tuy nhiên, thực tế, căn bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Ở các nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, viêm họng là căn bệnh rất phổ biến ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ vào thời điểm giao mùa hay khi tiết trời trở lạnh. Khi bị viêm họng, trẻ sẽ rất mệt mỏi, khó chịu do đau rát cổ họng khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Nguyên nhân nào gây viêm họng và trường hợp viêm họng nào được xem là nguy hiểm?
Cảnh giác với viêm họng do liên cầu khuẩn
Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị tổn thương, viêm nhiễm, gây đau rát cổ họng. Do họng là vị trí “cửa ngõ” đưa không khí, thức ăn, nước uống vào cơ thể nên các loại vi sinh vật rất dễ xâm nhập và gây bệnh. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm họng như:
Dị ứng: Không gây đau nhưng có thể kích thích cổ họng gây ho.
Cảm cúm: Viêm họng là triệu chứng phổ biến, ngoài ra, trẻ còn bị sổ mũi, hắt hơi.
Virus: Nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm 80% các trường hợp viêm họng ở trẻ nhỏ. Ngoài đau rát cổ họng, trẻ còn bị sốt cao.
Ngoài những nguyên nhân trên, viêm họng còn có thể do liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A gây ra. Đây là loại viêm họng rất nguy hiểm bởi vỏ của loại liên cầu này có cấu trúc gần giống cấu tạo của màng thận, màng tim, màng khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, cơ thể sẽ tự sản sinh ra kháng thể chống lại loại liên cầu này, đồng thời tấn công cả vào thận, tim và khớp gây viêm khớp, viêm cầu thận.
Liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A thường sản sinh từ môi trường ô nhiễm, dày đặc khói bụi, khí thải. Chính vì vậy, trong thời điểm tình trạng ô nhiễm không khí đang ở mức đáng báo động như hiện nay, căn bệnh này lại càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Không những vậy, loại vi khuẩn này còn rất dễ lây từ người này sang người khác thông qua dịch đờm khi người bệnh ho và hắt hơi. Nó cũng có thể lan truyền thông qua việc ăn chung, uống chung, thậm chí có thể lây nhiễm khi tay chạm phải các bề mặt có chứa vi khuẩn rồi đưa trực tiếp lên mũi, miệng hoặc mắt. Do đó, nếu trẻ không có thói quen vệ sinh tay thường xuyên, con sẽ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm họng
Với trẻ sơ sinh, dấu hiệu viêm họng ở trẻ nhỏ rất dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng mọc răng thông thường. Cụ thể, trẻ sẽ có các triệu chứng như:
- Ho, đau rát cổ họng, họng sưng đỏ
- Nuốt nước bọt đau, khó há miệng
- Khe amidan xuất hiện nhiều đốm mủ trắng
- Bé có thể sốt với những mức độ khác nhau: sốt nhẹ, sốt vừa hoặc sốt cao
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi, dịch mũi trong hoặc màu vàng xanh
- Toàn thân mệt mỏi
- Trẻ quấy khóc nhiều, chán ăn, bỏ bú
Với những trường hợp bị viêm họng do liên cầu khuẩn, trẻ sẽ có các triệu chứng:
- Họng và 2 bên amidan sẽ có đốm, vệt trắng và có thể bị sưng đỏ
- Sốt hơn 38 độ C
- Sưng đau hạch bạch huyết ở cổ
- Đau họng dữ dội và dai dẳng
- Phát ban ở vùng cổ, ngực (hiếm gặp)
Các chuyên gia cảnh báo, trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi nếu bị sốt trên 38,5 độ C, đau khoang miệng thì cần được đưa đi khám ngay bởi đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm họng đã bắt đầu nghiêm trọng. Đối với bé trên 6 tháng tuổi, nếu trẻ sốt ở mức 39 độ C, họng có dấu hiệu bất thường như sưng, tấy đỏ, không thể mở miệng vì đau, hơi thở khó nhọc, ăn (bú) kém, quấy khóc liên tục, cần nhanh chóng hạ sốt an toàn và đưa bé đi khám ngay lập tức. Tuyệt đối không để bé bị nặng đến mức nhiễm khuẩn cổ họng, không thể ăn uống, khó thở, sốt cao, chảy dãi liên tục mới đưa con đi khám vì như vậy trẻ sẽ rất dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Điều trị viêm họng cho trẻ nhỏ như thế nào?
Nếu thấy con bị viêm họng, sốt cao liên tục, bạn không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và tìm cách xử lý phù hợp:
- Đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Nếu trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ cho trẻ dùng kháng sinh để điều trị, còn nếu trẻ bị viêm họng do virus hoặc những nguyên nhân khác, trẻ sẽ được kê đơn thuốc tùy thuộc vào tình trạng bệnh.
- Dùng khăn nhúng vào nước ấm để lau người cho trẻ liên tục đặc biệt chú ý vùng cổ, nách và bẹn.
- Cho bé uống nhiều nước bởi sốt cao rất dễ bị mất nước
- Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol, acetaminophen và ibuprofen. Tuyệt đối không cho trẻ uống aspirin vì nó có liên quan đến hội chứng Reye ở trẻ.
- Cho bé ăn những món bổ dưỡng, dễ ăn, dễ nuốt như cháo, súp… và chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
- Nếu bé còn bú thì mẹ cần tăng cường cho bé bú nhiều hơn để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Phòng tránh nguy cơ viêm họng cho trẻ nhỏ
Viêm họng không phải là một căn bệnh quá nguy hiểm nhưng bạn cũng không nên lơ là, chủ quan, đặc biệt là trong thời điểm mà tình hình ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn đang ở mức đáng báo động. Để bảo vệ bé yêu khỏi căn bệnh viêm họng “đáng ghét”, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
Sức đề kháng của trẻ còn non yếu, do đó, bố mẹ cần chú ý việc giữ ấm cho cơ thể trẻ mỗi khi thời tiết chuyển mùa hoặc mỗi khi đi ra ngoài.
- Không nên tắm cho bé vào buổi tối.
- Cho trẻ chơi đùa ở những nơi kín gió.
- Cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: chất đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước .
- Giữ vệ sinh, ăn uống an toàn, thực hiện ăn chín, uống sôi, tránh ăn các thức ăn lâu ngày, tránh uống nước quá lạnh.
- Chăm sóc răng miệng sạch sẽ, thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng.
- Vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh luôn luôn sạch sẽ, đảm bảo cho không gian sống thoáng mát, không bụi bẩn và ẩm mốc.
- Luôn đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi đi ra ngoài để ngăn ngừa sự “tấn công” của khói bụi, vi khuẩn và các tác nhân gây hại khác.
Ngoài những phương pháp trên, bạn cũng cần chú ý đến việc giữ vệ sinh tay cho trẻ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vệ sinh tay được coi là liều thuốc phòng bệnh rất đơn giản, dễ thực hiện. Chỉ một động tác rửa tay với xà phòng đã làm giảm tới 19 – 45% nguy cơ lây truyền các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm họng.
Nguồn tham khảo: Hellobacsi.com
Trả lời
Nếu bạn có thắc mắc, hay có nhu cầu mua sản phẩm, hoặc cần tư vấn về sản phẩm, dịch vụ, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi.
Gọi ngay
Không có bình luận
Sắp xếp theo: