Hậu quả của việc sang chấn tâm lý do covid-19 gây ra
15 Th9 2021 by Trân Trương
Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến tinh thần và tâm lý rất nhiều người bị tổn thương. Ở lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các chuyên gia cho rằng đại dịch này đang gây ra một cú sốc lớn, stress nặng cho con người.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất to lớn cho toàn nhân loại suốt 2 năm qua, cướp đi sinh mạng của hơn 4,5 triệu người, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, xã hội…, cùng những nỗi đau vô hình không đong đếm nổi.
Định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”
Vấn đề tinh thần có vai trò quan trọng trong khái niệm sức khỏe. Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 dài đằng đẵng suốt 2 năm qua, mỗi ngày chúng ta đều thấy tràn ngập những con số đong đếm được như: Ca mắc, ca nặng, rồi tử vong, số người khỏi bệnh… Nhưng còn một thứ vô hình những hậu quả gián tiếp của đại dịch thì không thể thống kê. Đó là stress, là những sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần.
– Sang chấn tâm lý là những hậu quả của phản ứng cơ thể trước những tình huống căng thẳng hay mang tính chất đe dọa đến cuộc sống, khiến cá nhân trải nghiệm sự quá tải về cảm xúc và thể chất, để lại những hậu quả lâu dài về các khía cạnh như thể chất, cảm xúc, xã hội hay tinh thần.
– Sang chấn tâm lý gây ra nhiều hậu quả về mặt cơ thể và tinh thần, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể:
+ Ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương gây ra các biến đổi có thể gây teo não, thoái hóa não ở những vùng khác nhau, gây ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng nhận thức, học tập.
+ Ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể thông qua hệ thống thần kinh nội tiết, làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Do đó những người gặp phải sang chấn tâm lý thường suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh lý khác.
+ Ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch thông qua tác động đến hệ thống thần kinh trung ương, hệ thống thần kinh ngoại biên, stress ảnh hưởng nhiều đến hệ thống tim mạch. Đặc biệt là huyết áp và nhịp tim là dễ nhận thấy nhất, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng. Sang chấn tâm lý có thể gây ảnh hưởng đến co thắt mạch vành, gây cảm giác đau ngực, thậm chí có thể nhồi máu cơ tim.
+ Ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa: làm giảm sự ngon miệng, rối loạn bài tiết các men tiêu hóa, acid ở đường tiêu hóa, dẫn đến loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, rối loạn vi khuẩn ở đường ruột…
+ Ảnh hưởng đến hệ nội tiết: sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến rất nhiều tuyến nội tiết trong cơ thể. Hệ thống trục dưới đồi, tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến tụy, hệ thống adrenalin trong cơ thể đều bị ảnh hưởng.
– Do ảnh hưởng đến các hệ thống cơ quan trong cơ thể như trên, sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến cơ thể bạn, đến ý nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn.
+ Các biểu hiện thường thấy như đau đầu, co cứng cơ, căng cơ, đau tức ngực, mệt mỏi, giảm khả năng ham muốn tình dục, đau dạ dày, có những vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ, ngủ mơ, ác mộng…
+ Ảnh hưởng đến cảm xúc: mắc các chứng lo âu, bồn chồn, bứt dứt, khó chịu, hoảng sợ, trầm cảm, dễ kích thích, bực bội, kích động,
+ Ảnh hưởng đến hành vi: ăn uống vô độ, hoặc chán ăn, sử dụng rượu, hoặc chất kích thích như ma túy tổng hợp, bóng cười. Sử dụng các chất dạng thuốc phiện, sử dụng thuốc lá. Thu rút các mối quan hệ xã hội, hạn chế vận động thể dục thể thao.
– Hơn 1.000 trẻ bị mất cha mẹ trong thời gian xảy ra làn sóng lần thứ 4 của dịch COVID-19 tại Việt Nam. Đó là những con số biết nói. Chứng kiến cảnh người thân mình ra đi, để lại những trẻ thơ không bố không mẹ. Rồi người thân của mình ra đi trong sự cô đơn, đó thực sự là những sang chấn tâm lý nặng với tất cả chúng ta.
– Đại dịch COVID-19 là một sang chấn tâm lý nặng nề và dai dẳng, gây ra hậu quả nghiêm trọng về tâm lý với rất nhiều người. Đó là tình trạng: Chứng kiến sự ra đi của người thân đột ngột, không có người đưa tiễn, trong một gia đình có nhiều người ra đi; Vào điều trị COVID -19 trong các bệnh viện dã chiến, chứng kiến cảnh nhiều người nằm điều trị, chứng kiến sự ra đi của người bệnh cùng phòng, khi ra viện sẽ có những di chứng khó hồi phục hoàn toàn.
– Tình trạng kinh tế suy sụp kéo dài trong hơn hai năm qua, đặc biệt nhiều ngành nghề gần như không hoạt động gì, dẫn đến nạn thất nghiệp, thu nhập giảm như các ngành nghề du lịch, nhà hàng, khách sạn, cho thuê nhà, đất… là nguyên nhân dẫn đến nhiều rối loạn tâm lý lo âu, trầm cảm. Họ đã phải đi khám bệnh, nằm viện điều trị… Cứ như vậy như một vòng xoắn bệnh lý không thoát ra được.
– Các đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ công an, tình nguyện viên ở tuyến đầu chống dịch đã phải xa gia đình vào vùng tâm dịch, làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nắng, nóng, không có điều hòa, mặc những bộ quần áo phòng dịch trong nhiều giờ. Trong các bệnh viện dã chiến chứng kiến một số lượng lớn bệnh nhân nặng, ra đi trong khi mình bất lực không làm được gì cho người bệnh. Đó là một sang chấn tâm lý lớn. Chính họ đã chứng kiến sự ra đi của đồng nghiệp mình mà không thể làm được điều gì.
+ Những y bác sĩ ra đi nhận nhiệm vụ trong vùng tâm dịch, bố hoặc mẹ ra đi mãi mãi mà không gặp được con. Họ chỉ biết âm thầm chịu đựng và cũng có những người đã rơi vào khủng hoảng về tinh thần trầm trọng bởi vì nhân viên y tế cũng là người như những người bình thường khác…
- Đại dịch Covid-19 đã mang đến quá nhiều đau thương và mất mát, khi số ca F0 không thể truy vết sạch và giờ đây chung ta đang phải bước vào thời kỳ thích nghi, sống chung với dịch bệnh. Hy vọng là mỗi cá nhân luôn có ý thức phòng ngừa dịch bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội, mỗi người cùng đồng lòng chung tay sẽ là động lực rất lớn giúp Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian gần nhất.
Nguồn: Sức khỏe và đời sống, Bộ Y Tế
Trả lời
Nếu bạn có thắc mắc, hay có nhu cầu mua sản phẩm, hoặc cần tư vấn về sản phẩm, dịch vụ, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi.
Gọi ngay
Không có bình luận
Sắp xếp theo: