Lên án bạo hành trẻ em
7 Th1 2022 by Trân Trương
Bạo hành trẻ em tại nước ta từ lâu đã là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng và xã hội tại đất nước ta. Vấn đề này xảy ra thường xuyên hơn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COIVD-19 diễn ra căng thẳng, khiến cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn mà trong đó trẻ em là những người chịu tổn thương và thiệt thòi nhiều nhất. Gia đình tan vỡ, bố mẹ ly tán, cha lấy thêm vợ, mẹ đi lấy chồng, con cái bơ vơ, rồi bị ruồng bỏ, và bị bạo hành; cha dượng bạo hành con riêng của vợ, mẹ kế bạo hành con chồng đã và đang xảy ra ở nhiều nơi. Gần đây nhất là vụ bé giá 8 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị “dì ghẻ” bạo hành dã man dẫn đến tử vong đã gây ra sự phẫn nộ tột cùng trong dư luận, khiến rất nhiều người dân cả nước không thể tin và không thể chấp nhận, kêu gọi luật pháp trừng trị những kẻ có tội, những kẻ liên quan một cách thích đáng.
Trẻ em “như búp trên cành”, là thành phần đáng được quan tâm, chăm sóc nhiều nhất nhưng ngược lại hiện nay trẻ em lại đang dần trở thành nạn nhân của bạo lực xã hội, không có khả năng tự bảo vệ, không có khả năng chống trả, không có khả năng kêu cứu.
Vụ việc lần này là hồi chuông cảnh tỉnh, dấy lên câu hỏi trong mỗi người chúng ta đó là cần làm gì để ngăn chặn các hành vi bạo hành trẻ em và trách nhiệm của cộng đồng là như thế nào trong việc bảo vệ trẻ em?
“Xin đừng im lặng”; “Đừng coi việc bạo hành trẻ em là chuyện nhà người ta” – đây là các thông điệp mà các tổ chức như UNICEF, Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,… đã và đang cố gắng lan tỏa để nhấn mạnh vai trò của cộng đồng, xã hội trong việc bảo vệ trẻ em.
Chúng ta thường nói “Trẻ em là tương lai đất nước, là thế giới ngày mai” nhưng lại quên rằng “trẻ em còn là hôm nay” và người lớn chúng ta cần có trách nhiệm chăm sóc trẻ em ngay từ hôm nay, ngay bây giờ!
Đáng buồn thay hầu hết các vụ trẻ bị bạo hành là do người thân quen, người trong gia đình gây ra. Và nhiều người thấy trẻ bị bạo hành trọng chính ngôi nhà của mình nhưng lại tỏ ra thờ ơ, vờ như không biết vì ngại ngùng khi động đến các vấn đề của gia đình người khác, và cho rằng “chuyện nhà người ta” mình không nên “xía vào”. Chính những suy nghĩ như vậy đã góp phần khiến trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Theo Rana Flowers, trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng chúng ta không nên khoang nhượng: “những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân; có nghĩa là công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời, các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay, có nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi”
Theo Cục Trẻ em, bạo lực luôn có xu hướng leo thang và trở thành thói quen, nếu chúng ta thấy hành động trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ nhỏ có xu hướng nghiêm trọng hoặc có thể là hành vi lặp lại, nếu không thể ngăn chặn trực tiếp, và để các hành vi bạo lực không thể tiếp diễn trong tương lai, hãy thông báo ngay tới các cơ quan chức năng (công an, UBND) và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Nếu là hàng xóm, hành động bình dị mà chúng ta có thể làm là bấm chuông, gọi cửa nhà hàng xóm và đánh lạc hướng để làm gián đoạn và/hoặc chấm dứt việc đánh mắng đứa trẻ của người chăm sóc trẻ. Một câu hỏi thăm, hỏi đường, hỏi mượn đồ dùng như những người hàng xóm với nhau cũng có thể tạm cứu một đứa trẻ tức thời khỏi cơn đau thể xác, tinh thần.
Khi ở nơi công cộng, hãy lập tức lên tiếng và có thể kêu gọi sự đồng tình của những người xung quanh để bảo đảm người chăm sóc trẻ dừng đánh mắng hay trừng phạt thể chất, tinh thần trẻ.
Cách nhận biết trẻ có bị bạo hành hay không, chúng ta cần xem xét cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của trẻ:
Theo bác sĩ Chuyên khoa Nhi Nguyễn Trọng An (nguyên phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, chuyên gia dinh dưỡng bà mẹ – trẻ em, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe) cho biết có nhiều dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành thể xác, như các vết xây xước, bầm tím, sưng tấy, chảy máu hoặc gãy tay chân. Tuy nhiên, trẻ bị bạo hành về tinh thần khó nhận biết hơn tùy theo mức độ sang chấn, tổn thương. Thông thường trẻ bị bạo hànhcó tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, lo âu, mất ngủ, ăn uống kém.
Nếu tình trạng bạo hành kéo dài hơn, trẻ có biểu hiện bị lo sợ rõ rệt, không thể tập trung vào làm việc hoặc học hành chểnh mảng, kết quả học tập sút kém, có biểu hiện thu mình, sợ hãi khi gặp người lạ hoặc tỏ ra rất sợ hãi khi nhìn thấy mặt, nghe thấy tiếng của kẻ gây ra bạo hành. Nếu nghiêm trọng, trẻ có thể bị rối nhiễu tâm trí, đái dầm, gặp ác mộng, lo âu trầm cảm hoặc bị kích động, sang chấn nặng nề về tinh thần, là hậu quả của những biến đổi về tính cách, tâm lý và sức khỏe tâm thần.
Một khi chúng ta nhận thấy trẻ có khả năng đang bị bạo hành thì cần tìm hiểu trước và sau đó liên hệ ngay các cơ quan có thẩm quyền như Công an, cán bộ trẻ em, cơ quan LĐ-TB-XH các cấp, Trung tâm Công tác xã hội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em – 111, hoặc các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… để có giải pháp can thiệp ngay lập tức.
Hãy cùng Chân Tâm lan tỏa các thông điệp trên, cùng chung tay lên án những hành vi bạo hành trẻ em, mạnh dạn tố giác, không khoanh tay làm ngơ trước các hành vi bạo hành trẻ em, cùng nhau cố gắng đẩy lùi, tiêu diệt triệt để tệ nạn xã hội này.
Trả lời
Nếu bạn có thắc mắc, hay có nhu cầu mua sản phẩm, hoặc cần tư vấn về sản phẩm, dịch vụ, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi.
Gọi ngay
Không có bình luận
Sắp xếp theo: