Chu toàn dinh dưỡng cho con vào các ngày Tết
25 Th1 2022 by Trân Trương
Chu toàn dinh dưỡng cho con vào các ngày Tết là vấn đề quan trọng không phải cha mẹ nào cũng lưu tâm. Có thể nói trong năm, những ngày Tết đối với các bé là kỳ nghỉ lễ vui nhất vì các bé có thể cùng ba mẹ của mình đi chơi, đi thăm ông bà, được nhận lì xì mừng tuổi, được khoác lên các bộ đồ mới vui xuân và đặc biệt là các bé được tận hưởng các món ngon, các món ăn mình muốn một cách thỏa thích.
Cả năm chỉ có một dịp Tết, nên nhà nào cũng chuẩn bị bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, bánh chưng, bánh tét, giò chả, dưa hành, củ kiệu… và đi đến đâu trẻ cũng được “mời” ăn, uống… bất kể giờ giấc. Người lớn vẫn cho là “Tết mà”, để trẻ thoải mái muốn ăn gì thì ăn, uống gì thì uống. Hậu quả là các trẻ đã dư cân, béo phì thì tăng cân vù vù. Ngược lại, với trẻ đã lười ăn, do không nhận đủ năng lượng trong bữa ăn chính sẽ dễ sụt cân, biếng ngày càng biếng… Ngoài ra nên nhớ rằng, vào dịp Tết, ăn uống không phù hợp có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng kể cả khi ăn ít hay ăn nhiều, giảm cân hay tăng cân, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tốc độ tăng trưởng tối ưu của trẻ. Hơn nữa việc ăn uống không đúng cách, không nguyên tắc cũng khiến các trẻ gặp các bệnh về đường tiêu hóa
Sự mất cân đối trong bổ sung chất dinh dưỡng cho các con khiến các con thiếu chất này, thừa chất kia là vấn đề thường xuyên xảy ra mỗi khi Tết đến mà những bậc cha mẹ phải đối mặt. Vậy làm sao để chu toàn dinh dưỡng cho con vào các ngày Tết một cách an toàn, lành mạnh, để giúp con vừa đảm bảo tiếp tục phát triển về thể chất, tư duy, có sức đề kháng, vừa đẩy lùi béo phì, tăng cân, hay suy dinh dưỡng trước, trong và sau Tết?
Đầu tiên cần xây dựng bữa ăn cân đối 4 nhóm dưỡng chất:
– Bột đường (cơm, cháo, các loại đậu, củ, hạt…)
– Đạm (thịt cá, trứng, hải sản, đậu nành…)
– Chất béo (mỡ, dầu thực vật, bơ…)
– Vitamin, khoáng chất (các loại rau xanh, trái cây, hải sản…).
Bên cạnh đó, dịp Tết cần cố gắng duy trì các bữa ăn chính của trẻ không thay đổi quá nhiều so với ngày thường. Mỗi ngày nên có ít nhất một bữa cơm chính với đủ món mặn, canh, xào cho trẻ. Bữa ăn phụ có thể cho trẻ thay đổi với những món có sẵn mà trẻ yêu thích nhưng cần ăn đa dạng để đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Những hoạt động vui chơi ngày Tết thường làm đảo lộn thói quen sinh hoạt, ăn uống của nhiều ra gia đình. Nhiều ba mẹ bận rộn ngày Tết hoặc di chuyển đến gia đình nội ngoại, họ hàng chúc Tết mà cho con ăn uống xuề xòa, không đúng giờ, đủ bữa mà không biết rằng điều này ảnh hưởng trực tiếp tới dinh dưỡng cho con ngày Tết. Các con ăn linh tinh dẫn đến rối loạn tiêu hóa; giờ giấc ăn thay đổi tạo thói quen không tốt cho con, làm con biếng ăn, lười ăn sau Tết. Ba mẹ cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề ăn đúng giờ, đủ bữa, nhất là đối với trẻ mầm non. Tuyệt đối không nên cho con ăn qua loa, thay đổi đồng hồ giờ giấc ăn uống so với trước Tết. Các bậc ba mẹ nên duy trì thời gian biểu 3 bữa giống như ngày thường.
Về số lượng thức ăn, trẻ nên ăn tương tự ngày thường mà trẻ đã duy trì ổn định theo thói quen hoặc theo chuyên gia dinh dưỡng tư vấn, không nên ăn nhiều đột biến. Ngoài các bữa ăn chính, trẻ vẫn nên duy trì uống sữa đều đặn trong dịp Tết với số lượng trung bình khoảng 4-5 đơn vị sữa mỗi ngày (1 đơn vị sữa tương đương 100ml sữa hoặc 100ml sữa chua, 15g phô mai).
Trong những ngày này, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị sẵn các loại bánh kẹo, mứt Tết, nước ngọt… để tiếp khách và thưởng thức. Đó là lý do đồ ăn vặt lấp đầy dạ dày khiến các con bỏ bữa, biếng ăn, chủ yếu ăn kẹo bánh mà không ăn cơm. Chỉ một chút lơ là của ba mẹ, con có thể ăn uống thả phanh các loại thực phẩm chứa nhiều đường, giàu chất béo gây hại cho sức khỏe. Điều này dẫn đến trẻ mập lên trông thấy hoặc thấp còi hơn sau Tết, thậm chí bị sâu răng… Ba mẹ nên kiểm soát các con, giúp các con hạn chế tối đa bánh kẹo, nước ngọt có ga; cho các con tiêu thụ nhưng đừng quá nhiều ví dụ chỉ cho phép thưởng thức một chút sau các bữa chính hoặc khi đi chúc Tết mà thôi.
Các nhóm thực phẩm khuyến khích trẻ dùng vào ngày Tết bao gồm: Thịt heo nạc, thịt gà, bò, cá, hải sản tươi sạch để cung cấp chất đạm cho con; Trái cây, các loại sinh tố hoặc nước ép trái cây (như ổi, cam, cà chua, lê, dưa hấu, táo…) và các loại rau củ (như cải bó xôi, bắp cải, cà rốt, súp lơ, cải xoong…) giúp cung cấp chất xơ và vitamin cho trẻ; sữa và sữa chua giúp trẻ tiêu hoá tốt, làm giảm các triệu chứng đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, có thể cho trẻ ăn 1-2 lần sữa chua mỗi ngày.
Rau củ và trái cây là hai nhóm thực phẩm được khuyến khích dành cho trẻ vào những ngày Tết, vừa bổ sung vitamin, khoáng chất, chất xơ vừa giúp trẻ hạn chế các loại nước ngọt, bánh mứt, giảm độ ngấy từ những món ăn quen thuộc ngày Tết như bánh chưng, chả, giò, thịt…
Trong thực đơn dinh dưỡng cho con ngày Tết, thay vì các món xào, chiên, rán…, ba mẹ có thể tăng cường khẩu phần rau củ vào các món ăn cho con ngày Tết bằng cách chế biến các món canh rau củ với màu sắc hấp dẫn từ khoai tây, cà rốt, củ cải, su hào… hoặc các món canh rau ăn lá nấu kèm một chút thịt bằm… Những món luộc, hấp sẽ giúp dễ ăn khiến con không bị ngán.
Đối với chất bột đường, con có thể dùng cơm, cháo như ngày thường hoặc giảm bớt và thay bằng một miếng nhỏ bánh chưng, bánh tét. Khi dùng bánh Tét không ăn kèm với các món giàu tinh bột và đạm khác, nên ăn kèm với củ kiệu, dưa chua hay các loại rau. Không nên cho con ăn bánh chưng, bánh tét chiên rán, nhất là vào buổi tối.
Nhắc nhở con uống nước lọc, nước khoáng đầy đủ, tránh bị mất nước do ham chơi. Ba mẹ có thể chon con uống nước trái cây, nước canh trong bữa ăn đều đặn hàng ngày, hạn chế tối đa nước ngọt có ga… Bởi nước ngọt dễ gây đầy bụng, khó tiêu, khiến con lười ăn.
Đặc biệt, nếu gia đình tổ chức đi du xuân nên tìm hiểu trước nguồn thực phẩm tại nơi đến tránh để con ăn những món ăn quá khác biệt so với thường ngày. Hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ hoàn thiện để thích nghi nhanh với thức ăn lạ đặc biệt với trẻ còn nhỏ tuổi ví dụ với trẻ dưới 1 tuổi nên cho trẻ bú mẹ hoặc bú sữa công thức đang sử dụng. Trẻ 1 đến 3 tuổi, chỉ nên uống sữa, ăn cháo, cơm và những món quen thuộc như đã từng ăn ở nhà. Trẻ trên 3 tuổi, có thể cho trẻ ăn theo thực đơn quen thuộc cùng gia đình, tuy nhiên cần lưu ý về vệ sinh an toàn thực phẩm.
An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề cũng quan trọng không kém việc cân bằng chất dinh dưỡng. Nếu chỉ chăm chăm vào việc cân đối các khẩu phần ăn uống cũng như phối hợp đồ ăn thế nào cho hấp dẫn mà bỏ qua vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là điều không nên chút nào. Vì nếu không may sử dụng phải các loại thực phẩm bẩn, ôi thiu hoặc không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu hỏng/biến chất sẽ gây nguy hại tới chính sức khỏe của con cũng như của cả gia đình.
Để lại một bình luận
Nếu bạn có thắc mắc, hay có nhu cầu mua sản phẩm, hoặc cần tư vấn về sản phẩm, dịch vụ, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi.
Gọi ngay
Không có bình luận
Sắp xếp theo: