Lợi ích ít được biết đến khi cho trẻ cùng chăm sóc và chơi với thú cưng
29 Th10 2021 by Trân Trương
Thú cưng như chó mèo là những vật nuôi, gần gũi nhất với mọi gia đình. Chúng có thể được coi là những “người bạn thân thiết” hơn cả các món đồ chơi đối với con trẻ. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, các con ít hay thậm chí không được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, không được tiếp xúc với bạn bè, và phải thường xuyên ở nhà, thì chó mèo lại đóng vai trò mang lại tiếng cười cho các con.
Mục đích của việc nuôi thú cưng và cho chúng bầu bạn với các con không chỉ dừng lại ở việc giúp các con vui hơn, có nhiều niềm vui hơn, xóa bỏ các cảm giác buồn chán, cô đơn khi không ai chơi cùng, khi mà bố mẹ bận việc, mà còn nhiều lợi ích tuyệt vời khác mà chúng ta có thể không biết hay không để ý tới ví dụ như:
Giúp các con hình thành tinh thần sống có trách nhiệm
Khi các mẹ tùy vào độ tuổi, khả năng của con mà cho phép các con tham gia vào quá trình nuôi chó mèo, đây là cơ hội hình thành tinh thần sống có trách nhiệm với những việc mình làm. Như nếu con còn nhỏ có thể cho con đổ nước, thức ăn vào bát, hay khi con lớn hơn một chút có thể cho phép cùng ba mẹ tắm rửa chúng hay dắt chúng đi dạo. Về sau, các con sẽ chủ động chăm sóc thú cưng trong khả năng của mình.
Tuy nhiên cần lưu ý, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các mẹ hay các bố phải luôn và quan sát con mình. Vì thú nuôi như chó, mèo luôn gần gũi, thân thiện với chủ nhưng vẫn có thể tấn công các con bất kỳ lúc nào. Hơn nữa, các con thường không vệ sinh, rửa tay trước khi ăn, vô ý đưa tay lên miệng, hay ôm hôn chó, mèo bất cẩn dẫn đến nhiễm vi khuẩn, hay mắc các bệnh về ký sinh, giun, sán nguy hiểm,… Chủ động theo dõi, và ở bên các con là điều rất cần thiết, tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Hãy cho con biết thú cưng cũng giống mình cũng cần được ăn, được uống, được vuốt ve, được quan tâm, cũng được chơi, được ngủ, được dạy bảo. Các con khi tận tay mình chăm sóc thú cưng, trong nhận thức sẽ hình thành suy nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm với con vật đó. Chăm sóc thú cưng cũng sẽ giúp bé biết cách quan tâm đến bản thân mình.
Giúp con có sự đồng cảm và tình thương, sự sẻ chia
Nhìn cách ba và mẹ chăm sóc, thương mình như thế nào và khi tận tay chăm sóc thú cưng sẽ giúp các con có sự đồng cảm với con vật, dành tình thương của mình cho chúng cũng giống cách ba mẹ đã dành tình thương cho mình. Có bao giờ bạn để ý các con cảm thấy “xót”, buồn thế nào thậm chí là òa lên khóc hay can ngăn ba mẹ ra tay đánh thú cưng của mình? Các con có tự sẻ chia thức ăn cho thú cưng?
Trẻ cảm nhận được cảm xúc của chính con vật như thể chúng đang vui, đang buồn, hay sợ hãi. Qua đó trẻ có thể điều chỉnh hành vi của mình theo hướng tích cực như vuốt ve thú cưng khi chúng buồn, khi thú cưng vui đùa với mình, trẻ cũng sẽ cười vui theo một cách hạnh phúc.
Sự gắn bó với con vật càng lâu theo thời gian sẽ hình thành trong các con cái nhìn khác về các sinh vật sống xung quanh. Đó chính là tình yêu thương động vật, và cả thiên nhiên trong tâm hồn trẻ khi lớn lên và trưởng thành. Thứ mà không phải ai trong người lớn chúng ta cũng có. Quan sát nhưng đừng ngăn cấm các con chia sẻ thức ăn cho thú cưng, vì các con đang thể hiện sự thương mến của mình dành cho chúng.
Giúp kích thích hệ miễn dịch
Trẻ lớn lên trong nhà có vật nuôi ít có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng và hen suyễn thông thường. Các nghiên cứu của NIAID Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng những đứa trẻ tiếp xúc vừa phải với hai con chó hoặc mèo trở lên khi còn bé có nguy cơ mắc các bệnh dị ứng thông thường thấp hơn một nửa so với những đứa trẻ không có vật nuôi trong nhà. Trẻ nuôi động vật có ít xét nghiệm dương tính hơn với các chất gây dị ứng trong nhà — như chất gây dị ứng từ vật nuôi và mạt bụi — và cả với các chất gây dị ứng ngoài trời khác như cỏ phấn hương.
Nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ lớn lên trong nhà với vật nuôi khả năng có hệ thống miễn dịch mạnh hơn và ít bị dị ứng và hen suyễn hơn. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhà tâm lý học sức khỏe, Tiến sĩ June McNicholas thuộc Đại học Warwick và công ty dược phẩm Novartis Animal Health đã kiểm tra nước bọt của 138 trẻ em từ 4 đến 11 tuổi để tìm kháng thể IgA – một loại kháng thể được tìm thấy trong hệ thống miễn dịch giúp chống lại sự nhiễm trùng. Kết quả cho thấy những đứa trẻ nuôi thú cưng có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh và cúm tốt hơn những đứa trẻ không có thú cưng.
Giúp các con giao tiếp tốt hơn
Dành thời gian với vật nuôi giúp các con dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ và cải thiện khả năng giao tiếp của mình. Trẻ thường không chỉ chơi với thú cưng, mà còn nói chuyện với chúng theo cách riêng của mình. Đây là cách tuyệt vời để các con tập luyện những gì được nghe, được thấy, được học ở trường lớp. Nếu các ba, các mẹ luôn bên cạnh và chỉ bảo thêm cho các con, hay cùng các con trò chuyện với thú cưng, sự tự tin trong giao tiếp của các con sẽ tăng lên, sẽ còn không rụt rè khi phát biểu trong lớp
Giúp các con học được cách kiểm soát bản thân, nhẫn nhịn và bình tĩnh
Thú cưng không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn như chúng ta mong muốn. Đôi khi chúng quá phấn khích, nhảy / sủa quá nhiều, lười biếng, cào cấu, cắn hoặc phá hoại đồ đạc. Các mẹ hãy bình tĩnh xử lý trước mặt các con, điều này là cơ hội để dạy cho các con tính kiên nhẫn. Dù chúng ta đang mệt mỏi, bực bội như thế nào cũng hãy bình tĩnh, kiểm soát bản thân vì các bé thường hay quan sát hành động của người lớn để học theo. Ví dụ trẻ sẽ học cách nói giọng nhẹ nhàng, ôn tồn nhưng cứng rắn với thú cưng của mình, bình tĩnh xử lý tình huống, biết mình cần làm gì thay vì la mắng, quát tháo, đánh đập hoặc nổi cơn thịnh nộ với con vật.
Các con khi ở bên vật nuôi của mình có thể cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên người khác, có xu hướng quay sang thú cưng khi cảm thấy buồn, giận dữ hoặc khó chịu. Thú cưng thường mang lại cảm giác bình yên, sự bình tĩnh cho các con.
Giúp các con hiểu về tính kỷ luật và lãnh đạo
Nói đến thú cưng, mặc dù là niềm vui dành cho trẻ, nhưng lại là nỗi sầu muộn của người lớn chúng ta, vì thường chúng không nghe lời, “đi bậy” trong nhà – là vấn đề đau đầu nhất, ăn uống mất trật tự, kêu inh ỏi vào ban đêm,… Hãy cho các con thấy cách bạn dạy thú cưng, khiến chúng nghe lời bạn như thế nào nhưng không phải bằng “bạo lực” khiến các con sợ mà phải bằng những cách thông minh. Các con sẽ học theo và tìm cách đào tạo thú cưng nghe lời của mình qua đó sẽ dần hình thành tính kỷ luật và lãnh đạo trong bản thân.
Tích cực vận động thay vì ngồi lỳ một chỗ
Thú cưng đặc biệt là chó thường không bao giờ nằm hoài một chỗ, mà thường chạy giỡn, các con thấy vậy sẽ chạy theo vui đùa với chúng như một cách tập thể dục, vừa để cười sảng khoái sau những giờ học tập căng thẳng, đặc biệt là giúp các con tránh xa các thiết bị điện tử như smartphone.
Trả lời
Nếu bạn có thắc mắc, hay có nhu cầu mua sản phẩm, hoặc cần tư vấn về sản phẩm, dịch vụ, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi.
Gọi ngay
Không có bình luận
Sắp xếp theo: