Báo động số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh ở trẻ em!

16 Th9 2021 by Trân Trương

Ở nước ta, xu hướng trẻ em mắc COVID-19 đang tăng nhanh. Theo Bộ Y tế, vào đầu tháng 8 có đến 5% trong tổng số ca mắc ở Hà Nội là trẻ em từ 0-5 tuổi. May mắn là chưa có trường hợp nào tử vong.

Từ giữa tháng 8 đến nay, mỗi ngày TP HCM phải điều trị 1.900-2.900 ca Covid-19 trẻ em, riêng ngày 5/9 bệnh nhi cao kỷ lục với 3.106 em. Đến ngày 7/9, số F0 trẻ em đang được điều trị là 3.052.

Và theo thống kê Bộ Y tế tính đến đầu tháng 9, TP HCM đã điều trị cho khoảng 14.800 trẻ em dưới 16 tuổi mắc COVID-19, trong đó có 12.000 em đã khỏi bệnh, còn hơn 2.800 ca đang điều trị. Có 13 trường hợp bệnh nhân là trẻ em tử vong, chiếm tỷ lệ 0,1%. Các trường hợp này hầu hết có bệnh lý nền, trong đó có trường hợp rất nặng như ung thư.

Nguyên nhân trẻ bị lây nhiễm phần lớn là do bị lây nhiễm từ người lớn là các bậc phụ huynh, người thân, người chăm sóc các bé. Nên khi tỷ lệ hay nguy cơ người lớn nhiễm bệnh tăng cao thì trẻ cũng khó có thể tránh khỏi nếu không có biện pháp bảo vệ tốt nhất.

Triệu chứng COVID-19 ở trẻ

Trẻ khi mắc bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng phổ biến giống người lớn kể cả triệu chứng viêm phổi nặng, thở gấp, khó thở,… nhưng có điểm khác biệt, nếu người lớn có biểu hiện nổi trội là đau nhức cơ, xướng khớp thì ở trẻ ít bị như vậy mà ngược lại các dấu hiệu ban đầu thường là sốt rất cao (39 – 40 độ), có thêm biểu hiện ho, viêm long đường hô hấp, buồn nôn, tiêu chảy, chán ăn.

Hầu hết trẻ em mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, có hoặc không có triệu chứng. Những trẻ đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà, có bác sĩ theo dõi, thăm khám từ xa. Những em có triệu chứng trung bình trở lên, suy hô hấp, có nguy cơ diễn tiến nặng, hoặc có bệnh nền (ung thư, suy thận mạn, rối loạn đông máu Hemophilia, béo phì, các bệnh lý về tim, phổi,…) phải nhập viện theo dõi.

Tại sao cần tiêm vaccine cho trẻ?

Mọi lứa tuổi đều cần được tiêm vaccine, và trẻ em cũng vậy. Tiêm vaccine COVID-19 sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là đối với các trẻ béo phì, nhỏ tuổi, có bệnh nền về tim, phổi,… suy giảm miễn dịch khi nhiễm sẽ rất nguy hiểm.

Tiêm vaccine ở trẻ em cũng chính là vũ khí đẩy lùi sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng vì trẻ cũng giống người lớn có thể là nguồn lây bệnh cho những người xung quanh nếu trở thành F0. Ngoài ra, tiêm vaccine ở trẻ còn giúp cộng đồng ngăn chặn các biến thể khác xuất hiện.

Một lý do khác, khi trẻ được tiêm vaccine, trẻ sẽ có cơ hội hòa nhập với xã hội, bạn bè, được tiếp tục đến trường sinh hoạt, học tập, vui chơi thay vì hiện nay phải suốt ngày ở nhà – điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Thực trạng tiêm vaccine cho trẻ trên thế giới, và ở nước ta

Các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Úc và Israel đã gấp rút triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ tháng 6.

Nghiên cứu đã chỉ ra vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 100% trong ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 ở trẻ em từ 12-15 tuổi. Nghiên cứu khác cho thấy nhóm trẻ 12 -17 tuổi tiêm vắc xin Moderna sinh miễn dịch kháng SARS-CoV-2 tương đương với nhóm 18-25 tuổi.

Tuy nhiên chưa có vaccine chống COVID-19 an toàn cho trẻ dưới 12 tuổi, và cho đến nay, tại Mỹ và châu Âu chưa có vắc xin nào được cấp phép sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Nguyên nhân là do ở các nước chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu, thời gian nghiên cứu, chưa có nhiều điều kiện mở rộng thử nghiệm vaccine trên trẻ.

Hiện nay chỉ có 2 nước cho phép tiêm vaccine cho trẻ từ 3 – 17 tuổi là UAE (Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống Nhất) và Trung Quốc.

Còn tại nước ta, giữa năm nay Bộ Y tế đã có cuộc họp với nhà sản xuất vắc xin Pfizer – vaccine có chỉ định sử dụng tiêm chủng cho trẻ 12 – 17 tuổi, đạt được thỏa thuận cung cấp 20 triệu liều. Dự kiến, 9 triệu trẻ 12 – 17 tuổi ở nước ta sẽ được thu xếp tiêm chủng sớm nhất từ khoảng tháng 10 tới, nếu chậm hơn cũng sẽ là khoảng tháng 11 – 12 tới.

Cha mẹ cần làm gì?

Phòng ngừa là biện pháp chính

  • Chủ động thực hiện 5K trong chính gia đình, khuyến khích, nhắc nhở trẻ tuân thủ, đối với trẻ nhỏ tuổi chưa có biết cần làm gì, cha mẹ hãy chủ động giúp trẻ từ vệ sinh chân tay, đến đeo khẩu trang đúng cách, tránh tiếp xúc gần với người khác.
  • Cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vaccine khác cần thiết theo đúng lịch, độ tuổi để đảm bảo trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Và bản thân các ông bố, bà mẹ cũng chủ động tiêm đầy đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 cho bản thân để tránh bản thân bị nhiễm bệnh, và lây sang con trẻ
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, sát khuẩn thường xuyên các bề mặt, các món đồ chơi, đồ vật trẻ thường tiếp xúc, cầm nắm. Tốt nhất là nên khuyên răng trẻ, theo dõi, nhắc nhở kịp thời khi trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất cho trẻ, chế độ ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng cho trẻ

Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh

Khi trẻ có các dấu hiệu như ho, sốt, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn…, cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hoặc nếu không được, có thể gọi điện đến đường dây nóng của Bộ Y tế hoặc đội ngũ Y tế địa phương. Các bác sĩ sẽ cho chúng ta lời khuyên phải làm gì và liệu các con có cần đi khám bệnh hoặc nhập viện hay không, cũng như cách theo dõi các triệu chứng ở các con, triệu chứng nào khi xuất hiện cần phải báo ngay như sốt cao không hạ, khó thở, thở nhanh, tím tái, mất ý thức,…

Nguồn tham khảo: Báo Tuổi Trẻ, Báo Công An Nhân Dân, Báo Lao Động, VN Express, Cổng thông tin Bệnh viện Nhi Cần Thơ

Tag :

Không có bình luận

Sắp xếp theo:

Để lại một bình luận

Trả lời

Liên hệ

Nếu bạn có thắc mắc, hay có nhu cầu mua sản phẩm, hoặc cần tư vấn về sản phẩm, dịch vụ, đừng ngần ngại hãy liên hệ với chúng tôi.

Gọi ngay